add cart 0
12:00:00   23/09/2024

Nếu bạn đang tìm kiếm phần mềm trắc địa, các thông tin liên quan về máy móc đo đạc, trắc địa cho dự án của mình bạn đã tìm đúng kho lưu trữ! Trong quá trình sử dụng máy và cài đặt phần mềm, nếu gặp bất cứ vấn đề gì hãy liên lạc với chúng tôi qua số Hotline 0913. 051.734 để được hỗ trợ!

1. Khái niệm trạm CORS

 

1.1 Khái niệm 


Trạm CORS (Continuosly Operation Reference Station) là một hệ thống trạm tham chiếu GNSS (Global Navigation Satellite System) được vận hành liên tục tại các điểm cố định, ứng dụng bằng công nghệ máy tính hiện đại và đường truyền internet tạo thành một mạng lưới. Trạm CORS có thể đưa ra vị trí nhanh chóng và chính xác đến cm. 

Trạm CORS cung cấp số hiệu chỉnh giúp máy thu GNSS RTK, các phương tiện tự hành (automatic vehicle) đạt kết quả định vị với độ chính xác cao đến cấp độ centimet. Nhờ đó, trạm CORS được ứng dụng trong nhiều ngành nghề, từ xây dựng, khảo sát địa chính đến nông nghiệp,…

1.2 Cấu trúc của trạm CORS

Cấu trúc của trạm CORS bao gồm 2 thành phần chính, như sau: Đế (trụ) trạm CORS, máy chủ (trạm xử lý trung tâm).

  • Đế (trụ) trạm CORS: Các máy thu tín hiệu GNSS được lắp đặt tại các vị trí trạm CORS. Những điểm xây dựng trạm CORS cần đảm bảo về khả năng thu nhận tín hiệu ổn định trong khoảng cách xa.
  • Trạm chủ (trạm điều khiển xử lý trung tâm): Đây là nơi có nhiệm vụ điều khiển, xử lý và lưu trữ những thông tin gửi từ các trạm tham chiếu. Tại đây, những mô hình số cải chính vi phân tức thời cũng có thể được xây dựng. Trung tâm điều khiển của trạm chủ thu nhận tất cả số liệu từ trạm tham chiếu thông qua đường truyền Internet và thực hiện việc tính toán, hiệu chỉnh tọa độ, vị trí và gửi chúng đến người dùng. Để thực hiện các công việc này, trạm chủ sử dụng cả hệ thống phần mềm và phần cứng mạnh mẽ.


1.3 Ứng dụng của trạm CORS


Trạm CORS được ứng dụng phổ biến trong công tác định vị, cung cấp dữ liệu định vị một cách chính xác, nhanh chóng và đồng nhất, đồng thời hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực như:

  • Đo đạc, khảo sát và thành lập bản đồ: Trạm CORS có vai trò đặc biệt quan trọng với ngành trắc địa và bản đồ, giúp cải thiện hiệu suất công việc, giảm tính không nhất quán của dữ liệu. Ngoài ra, khi kết hợp với các thiết bị trắc địa như Drone, máy thu GNSS đa tần số, những kỹ sư sẽ dễ dàng thu thập được tọa độ chính xác, phục vụ cho việc đo vẽ bản đồ.
  • GIS: Trạm CORS được ứng dụng trong thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu không gian địa lý. Nhờ đó giúp xây dựng hệ thống thông tin địa lý một cách hiệu quả và chính xác.
  • Quan trắc chuyển dịch mạng Trái Đất: Hệ thống trạm CORS tại Việt Nam để xác định các hoạt động trồi hay lún và quan trắc sự chuyển dịch của Trái Đất, đặc biệt quan trọng trong dự báo thiên tai tự nhiên.
  • Cung cấp số hiệu chỉnh để định vị độ chính xác cao cho hệ thống xe tự hành: Khi công nghệ ngày càng phát triển, máy móc sẽ giúp con người thực hiện các công việc như tưới nước, bón phân, gieo hạt,…Để làm được điều này, thiết bị cần có thông tin về vị trí chính xác đến từng centimet. Do đó, các thiết bị cần sử dụng trạm CORS để có được dữ liệu định vị chính xác.


2. Hệ thống trạm CORS tại Việt Nam


Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện xây dựng hệ thống trạm CORS trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Hệ thống này được xây dựng với mục tiêu là lưới đa mục đích, phục vụ cho nhiều lĩnh vực với độ chính xác khác nhau.

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam hiện đang xây dựng 65 trạm CORS, nhằm phục vụ cho các ứng dụng chỉ đường và xác định vị trí theo chế độ thời gian thực dựa trên việc truyền dữ liệu qua Internet. Trong số 65 trạm CORS được xây dựng, bao gồm: 24 trạm Geodetic CORS và còn lại là các trạm NTRK CORS.
 

Một trạm CORS cần được đặt tên (bao gồm tên đầy đủ và tên rút gọn) và đánh số hiệu. Tên đầy đủ của trạm được lấy dựa trên địa danh của khu vực đặt trạm. Tên rút gọn được viết tắt từ tên đầy đủ, bao gồm 4 ký tự. Bên cạnh đó, tên trạm cần đáp ứng các yêu cầu như sau:

  • Tên rút gọn cần phải dễ nhận biết hơn so với tên đầy đủ;
  • Tên của các trạm trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia không được trùng nhau;
  • Tên được đặt không trùng với tên đã có thuộc các điểm trong mạng lưới IGS (đối với những điểm tham gia trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh của tổ chức IGS).

Số hiệu của các trạm CORS bao gồm 9 ký tự với:

  • 2 ký tự đầu tiên đại diện cho mã vùng của quốc gia.
  • 4 ký tự tiếp đến đại diện cho tên rút gọn của trạm.
  • 3 ký tự tiếp đến là số thứ tự trạm trong mạng lưới trạm

Số hiệu của các trạm CORS cần được đảm bảo là duy nhất trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.

3. Ý nghĩa từng Port trạm quốc gia vngeonet 

Mạng lưới trạm CORS chính thức cung cấp dịch vụ đo RTK đồng nhất trên toàn quốc và cung cấp đầy đủ kinh tuyến trục địa phương theo từng tỉnh.

– Các cổng dịch vụ cung cấp như sau:
+ Cổng 2101 (VRS) giải pháp mạng lưới (Network). Tên mountpoint bắt đầu là VRS…
+ Cổng 2102 (iMAX) giải pháp mạng lưới (Network). Tên mountpoint bắt đầu là iMAX…
+ Cổng 2103 (SB) giải pháp trạm đơn (Single base). Tên mountpoint bắt đầu là SB

– Ý nghĩa của từng tên mountpoint:
+ Phần đầu tiên là thể hiện cho cổng đo (VRS hoặc iMAX hoặc SB)
+ phần tiếp theo sau dấu chấm ‘.’ là kinh tuyến trục và múi chiếu kết quả đo. => ( ví dụ VRS.105M3: là đo ở cổng 2101 kinh tuyến trục kết quả đo trên VN2000 là 105 độ múi chiếu 3 độ, iMAX.105_45M3: là đo ở cổng 2102 kinh tuyến trục kết quả đo trên VN2000 là 105 độ 45 phút múi chiếu 3 độ…
+ tương tự cho các mountpoint khác. Khi đo thì tuỳ theo yêu cầu kết quả đo trên kinh tuyến trục và múi chiếu nào thì chọn cho phù hợp.

– Khi sử dụng dịch vụ thì ưu tiên dùng 2 cổng 2101 và 2102 do đây là giải pháp Network tính ổn định, chính xác hơn, không phụ thuộc vào khoảng cách (yêu cầu Rover đo trong vùng Network).

– Cổng 2103 dùng trong trường hợp Rover đo ngoài vùng Network (thông thường ra những vị trí giáp biển và biên giới…). Đây là giải pháp Single base do vậy độ chính xác sẽ ảnh hưởng khi vị trí Rover cách xa trạm Base.

– Cổng 2101 và 2102 đều là giải pháp Network nhưng sẽ có sự khác nhau như sau: Cổng 2101(VRS) thì tốc độ FIX sẽ nhanh hơn nhưng độ tin cậy không bằng 2102(iMAX), cổng 2102 tốc độ FIX sẽ chậm hơn 2101 nhưng khi đã FIX thì giá trị sẽ tin cậy hơn cổng 2101. Về kết quả đo ở cổng 2101 và 2102 trong điều kiện đo tốt giá trị tương đương nhau.

– Thông tin nhập vào Rover: Ip host: 14.238.1.125 (hoặc vngeonet.vn), Port là 3 cổng đã nói ở trên, user name và pass là tên đăng ký trên trang vngeonet.vn (tài khoản ghi ở đơn đăng ký sử dụng dịch vụ). Thiết lập nhận đủ cải chính RTCM 1021-1027.

4. Nguyên lý hoạt động của phương pháp đo RTK

Phương pháp đo RTK hoạt động dựa trên nguyên lý:

  • Một máy thu được đặt trên trạm tham chiếu, và một hoặc một số máy thu khác gọi là trạm di động.
  • Trạm tham chiếu và trạm di động nhận cùng một lúc đối với các tín hiệu được truyền bởi cùng một vệ tinh GPS, các giá trị quan sát thu được từ trạm tham chiếu được so sánh với thông tin vị trí đã biết để thu được giá trị hiệu chỉnh vi sai GPS.
  • Sau đó, giá trị đã sửa đổi được truyền kịp thời đến trạm di động để có được vị trí thời gian thực chính xác hơn của trạm di động sau khi hiệu chỉnh vi sai.

Có 2 phương thức truyền dữ liệu từ trạm phát sang trạm thu là qua Mobile Network (3/4G) hoặc Radio Broadcast (Radio).

  • Phương pháp đo RTK qua sóng 3G/4G: Sử dụng thẻ sim có đăng ký 3G/4G để truyền phát tín hiệu.
  • Phương pháp đo RTK qua sóng Radio: Sử dụng bộ phát Radio để truyền phát tín hiệu.

So sánh 2 phương pháp đo RTK qua sóng 3/4G và sóng Radio


- Giống nhau:

  • Cả hai đều áp dụng phương thức hoạt động của trạm tham chiếu và trạm di động.
  • Cả hai phương pháp đều cần khởi tạo trước khi hoạt động.
  • Cả hai đều có thể đạt được độ chính xác cấp độ centimet.


Ngoài việc đáp ứng được hiệu quả kỹ thuật thì việc ứng dụng 2 phương pháp đo RTK này trong đo vẽ còn thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với phương pháp đo vẽ truyền thống như:

  • Đạt độ chính xác cao.
  • Đo chi tiết ở khoảng cách lớn.
  • Không sử dụng nhiều nhân lực trong quá trình làm việc.
  • Thiết bị gọn nhẹ dễ di chuyển.
  • Rút ngắn thời gian làm việc.


- Khác nhau: Xem hình bên dưới

 
 

5. Một vài so sánh giữa phương án đo Radio với phương án đo trạm CORS 


5.1. Về phương án đo Radio

- Radio có những ưu điểm nổi bật sau:

                   + Độ trễ thu thấp
                   + Tín hiệu đo khỏe hơn đối với những vị trí khó, rậm rạp
                   + Đạt độ chính xác cao hơn về cao độ
                   + Đo được ở những vị trí không có sóng 3G, không phụ thuộc vào mạng, có thể hoạt động độc lập
- Nhược điểm:
                   + Phải đầu tư thêm trạm Base
                   + Khoảng cách đo bị giới hạn hơn (bán kính từ 10-15km)

 

5.2. Về phương án đo trạm CORS

- Ưu điểm của trạm CORS:

                 + Chỉ cần đầu tư 01 máy Rover
                 + Không giới hạn khoảng cách, có thể đo được mọi vị trí có sóng 3G và có tín hiệu trạm CORS phủ đến
- Nhược điểm của trạm CORS:
                   + Tín hiệu đo không khỏe bằng đo Radio
                   + Độ chính xác về độ cao thấp hơn đo Radio
                   + Chỉ đo được ở khu vực có sóng 3G và có tín hiệu trạm CORS
                   + Phải trả phí (trong tương lai, hiện tại đang cho miễn phí)

>>> Một số khuyến nghị để ACE tham khảo:

 

  • Trường hợp nhu cầu công việc không yêu cầu quá cao về độ chính xác cao độ (đo địa chính, địa hình tỷ lệ nhỏ); công trình ở khu vực không quá khó khăn thì lựa chọn Rover đo trạm CORS là một giải pháp hợp lý

  • Trường hợp các công trình, dự án ở khu vực khó khăn, không có mạng 3G, 4G, không nằm trong vùng phủ sóng trạm CORS; hoặc yêu cầu độ chính xác cao về độ cao (khảo sát tuyến giao thông, thủy lợi, đo bản đồ địa hình tỷ lệ lớn),.. thì lựa chọn đo Radio sẽ phù hợp hơn.

Hiện nay, ở các khu vực có địa hình phức tạp hoặc xa trung tâm, việc bắt được tín hiệu chính xác từ trạm Cors Cục luôn là một thách thức lớn. Những khu vực có sóng yếu khiến người dùng gặp khó khăn trong việc duy trì kết nối, ảnh hưởng đáng kể đến độ chính xác của công tác đo đạc. Trắc địa Thành Đạt gợi ý ACE thuê máy RTK phát Base Radio để vượt qua trở ngại về tín hiệu và nâng cao hiệu quả công việc đo đạc.

Một trong những điểm nổi bật của máy RTK là khả năng phát Base Radio, tạo ra một trạm phát tín hiệu di động, giúp truyền tín hiệu đến các máy Rover (máy thu di động) ngay cả khi sóng trạm Cors yếu. Lúc này, người dùng cần sử dụng 2 máy RTK, trong đó một máy sẽ đóng vai trò làm trạm Base Radio và máy còn lại làm Rover để thu nhận tín hiệu. Máy RTK phát Base Radio sẽ gửi tín hiệu định vị chính xác đến máy Rover, giúp duy trì kết nối ổn định. Khi tín hiệu từ Cors Cục bị yếu hoặc mất hoàn toàn, Base Radio đóng vai trò như một giải pháp thay thế hiệu quả, cung cấp độ chính xác và độ ổn định cần thiết.

> Lưu ý: Khả năng kết nối mạnh mẽ và tương thích với tất cả các dòng máy RTK khác là yếu tố tiên quyết khi quyết định sử dụng phương án này.


6. Địa chỉ mua máy định  vị vệ tinh GNSS RTK uy tín


CÔNG TY CP CÔNG NGHỆ VÀ TM THÀNH ĐẠT chuyên nhập khẩu, cung cấp và chuyển giao công nghệ các loại máy định vị vệ tinh GNSS RTK của các hãng Leica, Topcon, Sokkia, E-Survey, Hi- Target, Foif,.... phục vụ công tác khảo sát, đo vẽ bản đồ uy tín lâu năm trên toàn quốc. Các loại máy định vị vệ tinh GNSS RTk mà chúng tôi phân phối phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm cùng đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên năng động, có trình độ cao chúng tôi tự hào và tin tưởng Quý khách hàng sẽ hài lòng khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do chúng tôi cung cấp.


Liên hệ: 

Số 50 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội
Số 5/161 Nguyễn Tuân. Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: 024.37764930
Hotline: 0913051734 (call/imesage/zalo)
Website: 
www.tracdiathanhdat.vn
Email: tracdiathanhdat@gmail.com

Số điện thoại
Chat Zalo